Làm hoàng đế Tống Hiếu Tông

Chuẩn bị bắc phạt

Sau trận chiến Thái Thạch Kì, Hoàn Nhan Lượng bị các tướng dưới quyền nổi dậy giết chết. Ở Liêu Đông, Tào quốc công Ô Lộc lên ngôi hoàng đế, là Kim Thế Tông. Nhân việc tình hình miền bắc chưa ổn định, Hiếu Tông tìm cách thừa thắng tiến lên khôi phục Trung Nguyên.

Hiếu Tông từ lâu đã nghe danh của tể tướng Trương Tuấn (Hiện là phán Kiến Khang phủ) nên rất muốn triệu dùng trở lại, bèn hạ chiếu mời Trương Tuấn vào cung, đặt chỗ ngồi bên cạnh mình mà đàm đạo. Hiếu Tông nói:

Trẫm được nghe danh tiếng của ông đã lâu. Cả triều đình cũng đều ngượng vọng. Mong được nghe những lời hay.

Trương Tuấn nhân đó xin Hiếu Tông đừng trông mong ở nghị hòa mà hãy tập trung đánh Kim, khôi phục lại đất đai Trung Nguyên đã bị mất. Hiếu Tông gia phong Tuấn là Thiếu phó, tuyên phủ sứ Giang Hoài, tước Ngụy quốc công; thống lĩnh quân đội triều đình tiến lên giành lấy Trung Nguyên. Trong khi đó ở nước Kim, Kim Thế Tông đã bình định được người Liêu ở phía bắc; biết được triều Tống động binh, cũng sai Bộc Tán Trung Nghĩa cùng Ngột Thạch Liệt Chí Ninh đóng ở Hoài Dương[16] chuẩn bị nam xâm. Trong lúc đó thì thầy cũ của Hiếu Tông là Sử Hạo lại tâu rằng triều đình nên lo ở phía tây, đông không qua khỏi Bảo Kê[17], bắc không qua khỏi Đức Thuận; nếu để quân ở xa Thục chính là làm mất Thục, vì thế triều đình rút bớt quân ở ba lộ Tần Phượng về giữ đất Thục, đồng nghĩa là bỏ hẳn Thiểm Tây. Xuyên Thiểm tuyên phủ sứ Ngu Doãn Văn cực lực can ngăn, cho rằng nếu muốn khôi phục thì phải bắt đầu từ Thiểm Tây, và nếu bỏ Thiểm thì Thục nguy, triều đình đẩy Doãn Văn ra Quỳ châu nhưng Hiếu Tông quyết định gọi Doãn Văn về[18]. Cuối cùng thì ba lộ Tần Phương, Hi Hà, Vĩnh Hưng và các châu quận vừa giành được đã bị người Kim cướp lại.

Hiếu Tông nhiệm dụng Sử Hạo làm Thượng thư Hữu bộc xạ, Đồng bình chương sự kiêm Khu mật viện. Khi triều đình bàn định về việc chống địch, đa số đại thần chủ chiến, duy Sử Hạo chủ hòa. Khi đó vua Kim cử Bộc Tán Trung Nghĩa làm nguyên soái dẫn quân đến Biện Kinh. Tướng Kim Ngột Thạch Liệt Chí Ninh gửi thư đòi đất năm châu Hải, Tứ, Đường, Đặng, Thương như thể lệ cũ thời Cao Tông. Trương Tuấn vẫn quyết tâm chủ chiến, khuyên Hiếu Tông ra Kiến Khang, khích lệ quân sĩ, lại còn tâu xin đánh Hồng và Linh Bích, Hiếu Tông nghe theo. Sử Hạo lại lên tiếng phản bác nhưng không được.

Diễn biến Bắc phạt

Sau đó nhà vua trao toàn bộ binh quyền ở Giang, Hoài cho Trương Tuấn. Trương Tuấn tự mình đốc chiến, đánh đến Hào châu, Tứ châu, Túc châu... cả Trung Nguyên chấn động[19]. Lúc này Sử Hạo mới hay việc triều đình thắng trận nên tỏ ra không vui, dâng sớ xin từ chức. Có thị ngự sử Vương Thập Bằng kể ra tám tội của Sử Hạo khiến ông này bị đày đến Thiệu Hưng[20].

Sau trận thắng ở Túc châu, Lý Hiển TrungThiệu Hoành Uyên không thống nhất ý kiến dẫn đến sự biến Phù Li, quân Tống thiệt hại nặng. Trương Tuấn cũng dâng sớ tự trách. Hiếu Tông chẳng những không trách phạt mà còn ra sức động viên khích lệ[19]. Tháng 4 năm 1164, Trương Tuấn cử Ngụy Thắng, Trần Mẫn, Thích Phương, Quách Chân chia nhau giữ ba châu Hải, Tứ, Hào và đất Lục Hợp[21], sửa sang quan ải, chiêu mộ tráng sĩ ở Hà Bắc, tổng cộng có được 24000 người, tăng số thuyền chiến, mài thêm nhiều đao thương, cung kiếm. Lúc bấy giờ người Trung Nguyên lũ lượt xin quy phục, tướng Kim là Tiêu Kì vốn gốc gác Khiết Đan cũng đem quân đến hàng, cả nước Kim chấn động.

Tuy nhiên vào lúc này triều đình bắt đầu nghĩ tới việc nghị hòa. Lễ toàn quan sứ Thang Tư Thoái cùng Hữu chính ngôn Doãn Sắc vốn phe cựu đảng của Tần Cối đã dâng sớ đàn hặc Trương Tuấn, khiến Hiếu Tông giáng Tuấn làm Đặc tiến Khu mật sứ, tuyên phủ Giang Hoài Nam Tây lộ; còn Thang Tư Thoái được phong Thượng thư Hữu bộc xạ kiêm Khu mật sứ.

Ngột Thạch Liệt Chí Ninh lại gửi thư tới Tống đòi bốn châu Hải, Tứ, Đường, Đặng. Tư Thoái cùng bọn Triều Quỳ, Trương Xiển hùa nhau tâu rằng Đường, Đặng không phải nơi hiểm yếu, có thể bỏ qua. Hiếu Tông bắt đầu dao động. Hiếu Tông sau đó sai Lư Trọng Hiền sang Kim bàn về hòa nghị, bảo Trọng Hiền không được cắt bốn châu và phải xin giảm tiền triều cống. Nhưng Trọng Hiền lại bị Bộc Tán Trung Nghĩa hù dọa khiến nên lo sợ không dám làm gì. Bộc Tán Trung Nghĩa còn yêu cầu triều Tống giao trả những người phản bội đầu hàng, cắt bốn châu và để nguyên tiền triều cống. Hiếu Tông cảm thấy hối hận vì đã cử Trọng Hiền đi sứ, bèn giáng chức đày ra Liễu châu. Thang Tư Thoái bèn cử Vương Chi VọngLong Đại Uyên đi sứ, căn dặn là hãy đồng ý cắt đất chỉ xin giảm tiền triều cống. Nhưng Hữu chính ngôn Trần Lượng Hàn tâu rằng cần phải bàn kĩ trước, triều đình mới lệnh Chi Vọng chờ ở ngoài biên giới. Lúc này Ngu Doãn Văn, Hồ Thuyên, Diên an Trung, Chu Hi đều dâng sớ phản đối hòa nghị và bị giáng chức, Hồ Phỏng thì bị người Kim giữ lại về sau mới thả. Hiếu Tông được tin thất kinh nên triệu Vương Chi Vọng về triều, lệnh Trương Tuấn tăng cường phòng bị.

Sang năm 1164 chiến sự vẫn tiếp diễn. Sau đó Hiếu Tông nghe theo lời Thang Tư thoái sai Tiền Đoan LễVương Chi Vọng đến chỗ Trương Tuấn, khuyên ông bãi binh. Sau đó Hiếu Tông hạ chiếu triệu Trương Tuấn vào triều, bãi bỏ phủ đô đốc Giang Hoài, chuẩn bị cho hòa nghị. Trương Tuấn thất vọng, khi đến Bình Giang thì dâng sớ xin từ chức lần thứ tám, Hiếu Tông bèn bãi chức tể tướng của Tuấn. Lại lệnh triệu Ngu Doãn Văn về triều, lấy Hàn Trọng Thông thay thế và cho quân rút khỏi hai châu Đường, Đặng.

Lúc đó có chiếu lệnh phong cho Vương Chi Vọng là Tham tri chính sự và dời Thang Tư Thoái là Đô đốc Giang Hoài. Tư Thoái sợ hãi, ra sức từ tạ, Hiếu Tông phong cho Dương Tồn Trung làm Đô đốc, Ngô Phi Tịnh làm Tham tán quân sự, bãi tuyên dụ ti. Nhưng lúc này thì quân Kim lại nam hạ. Bộc Tán Trung Nghĩa muốn lấy cả hai châu Thương, Tần, tiền triều cống là 20 vạn. Ngụy Kỉ bèn báo về triều. Hiếu Tông nghe lời Thang Tư Thoái, hứa cắt 4 châu, nộp 20 vạn tiền triều cống và lại sai Ngụy Kỉ sang Kim. Nhưng Bộc Tán Trung Nghĩa cũng chưa vừa ý, bèn cùng Ngột Thạch Liệt Chí Ninh đem quân từ Thanh Hà tấn công Sở châu giết chết tướng Ngụy Thắng khiến Giang Hoài chấn động.

Chiếm xong được Sở châu, quân Kim đem quân đánh tiếp Hào châu, Trừ châu. Vương Ngạn ở Trừ châu co giò bỏ chạy, Trừ châu cũng mất[22]. Hiếu Tông bèn bãi chức đô đốc của Thang Tư Thoái, triệu Trần Khang Bá về kinh và định phong cho Vương Chi Vọng thống lĩnh quân ở Giang Hoài chống địch. Chi Vọng nhát gan không dám nên Hiếu Tông mới dùng Dương Tồn Trung. Dương Tồn Trung cố giữ vừng Lưỡng Hoài, truy cứu những tướng ở biên cương thiếu trách nhiệm dẫn đến việc thua trận. Tham tri chính sự Chu Quỳ kể tội Thang Tư Thoái, Vương Chi VọngDoãn Sắc rước giặc vào nhà, Tư Thoái bị đày đến Vĩnh Châu. Lại có Thái học sinh Trương Quan cùng hơn 70 người quỳ ở cửa khuyết xin chém đầu bọn Tư Thoái. Tư Thoái vừa đi đến Tín châu thì được tin này, lo sợ quá mà chết. Hiếu Tông lấy Trần Khang Bá làm Tả bộc xạ kiêm Xu mật sứ, Tiền Đoan Lễ làm Tham tri chính sự; bãi chức của Chu Quỳ, Doãn Sắc, Vương Chi Vọng... Lúc này quân Kim đã đánh bại quân của tướng Thôi Tuyền ở Lục Hợp, uy hiếp mạnh mẽ đến Kiến Khang.

Ký kết hòa nghị

Mùa thu năm 1164, Trương Tuấn mất. Thang Tư Thoái tiếp tục xúc tiến nghị hòa, xin cử Tông chánh thiếu khanh Ngụy Kỉ sang Kim. Hiếu Tông dặn Ngụy Kỉ phải ký minh ước rõ ràng, buộc triều Kim lui quân, giảm tiền triều cống và không được trả những người quy thuận. Ngụy Kỉ xin Hiếu Tông nếu người Kim đòi hỏi vô lý thì phải lập tức ra quân, Hiếu Tông bằng lòng. Tuy nhiên khi hòa đàm còn đang bế tắc thì người Kim đã xua quân chiếm Sở châu.

Sau khi mất Sở châu, triều đình sai thêm Vương Biện đi sứ nước Kim dâng thư lên Kim Thế Tông bàn về việc hòa nghị, sau đó triệu Dương Tồn Trung về kinh, đổi làm Ninh Viễn, Chiêu Khánh tiết độ sứ; bãi Lưỡng Hoài tuyên phủ ti, Hồ Bắc Kinh Tây chế trí ti (1165). Tiền Đoan Lễ chủ trương nghị hòa nên ngầm lệnh các tướng không được tự ý tiến quân. Vương Biện sang Kim bàn bạc, cuối cùng Kim chủ chấp nhận nghị hòa, xưng chú cháu, gửi thư cho nhau, tiền triều cống mỗi thứ giảm 5 vạn, Tống cắt nhường cho Kim bốn châu Hải, Tứ, Đường, Đặng; những người ở miền bắc đã quy phục triều Tống được miễn truy xét.

Năm 1165, Ngụy Kỉ đã tới Kim và dâng thư của Hiếu Tông lên vua Kim, đầu thư viết: Chấu Đại Tống hoàng đế Thận kính cẩn cúi đầu dâng thư lên chú là Đại Kim Thánh Minh Nhân Hiếu hoàng đế và hứa nạp tiền triều cống 20 vạn. Kim Thế Tông cũng gửi thư cho triều Tống, đầu thư viết: Chú Đại Kim hoàng đế gửi thư đến cháu là Đại Tống hoàng đế. Cách viết thư này trở thành thông lệ cho việc bang giao về sau giữa hai nước. Sau đó Kim chủ triệu Bộc Tán Trung Nghĩa về nước, chỉ giữ 60.000 quân canh giữ biên cương, còn Ngụy Kỉ trở về Tống phục mệnh. Từ đó, nam - bắc hòa hảo trong suốt hơn 40 năm, Trung Quốc bước vào một thời kì thái bình thịnh trị.

Chính sự những năm Càn Đạo (1165 – 1173)

Mùa xuân năm 1165, tể tướng Trần Khang Bá mất[23]. Hiếu Tông đích thân ban mấy chữ tinh trung hiển đức chi bi viết lên mộ của Trần Khang Bá. Tháng 4 cùng năm ông phong cho Ngu Doãn Văn làm Tham chính, Vương Cương Trung được kiêm Đồng tri xu mật viện sự. Nhưng đến tháng 6 cùng năm Vương Cương Trung cũng chết[24]. Bấy giờ người vợ đầu tiên của Hiếu Tông là Quách thị đã mất vào năm 1156. Khi lên ngôi, Hiếu Tông truy phong Quách thị làm Thành Mục hoàng hậu, và lập Hiền phi Hạ thị làm kế hậu.

Cũng năm 1165, Hiếu Tông hạ chiếu lập con trưởng là Đặng vương Triệu Kì làm hoàng thái tử. Sau đó có việc cha vợ của thái tử là Tiền Đoan Lễ nhận đồ hối lộ từ Lý Hoành, Ngự sử Chương Phục hặc tội Doãn Văn là người chuyển giao chiếc đai này, nên Hiếu Tông bãi chức Doãn Văn, bắt phải về quê. Hiếu Tông lại định dùng Tiền Đoan Lễ làm tể tướng, nhưng Thị ngự sử Đường Nghiêu Phong cho rằng Đoan Lễ là cha của thái tử phi Tiền thị, không tiện nắm giữ tướng vị, Đoan Lễ mang hận trong lòng; giáng Nghiêu Phong làm Thái thường thiếu khanh. Lại thêm thị lang bộ Lại Trần Tuấn Khanh cũng can gián, liền bị Đoan Lễ đày ra phủ Kiến Ninh. Hiếu Tông thấy Đoan Lễ ngang ngược như vậy thì không hài lòng bèn cách chức.

Đầu năm 1166, Hồng Thích được phong làm Hữu bộc xạ. Ông này vốn là Trung thư xá nhân, trong vòng nửa năm mà thăng chức bốn lần lên làm tể tưởng, nên đình thần bàn ra tán vào. Chỉ chưa đầy nửa năm thì nhân có trời mưa to, đình thần lại bàn luận về Hồng Thích khiến Thích lại phải xin bãi chức. Hiếu Tông phong Ngụy Kỉ làm Tham tri chính sự; Lâm An Trạch làm đồng Tri khu mật kiêm Quyền tham chính, Phí Thiêm Thư làm Xu mật viện sự. Nhưng Lâm An Trạch do bị Hiếu Tông nghi ngờ có ăn hối lộ nên bị đày đến Quân châu không lâu sau đó. Sau đó Diệp Dung, Ngụy Kỉ được thăng làm Thượng thư Tả, Hữu bộc xạ. Về sau Diệp Dung, Ngụy Kỉ lại bị bãi chức, Tưởng Phất được phong làm Thượng thư hữu bộc xạ. Nhưng ít lâu sau Tưởng Phất phải về quê chịu tang mẹ. Hiếu Tông lại dùng Trần Tuấn Khanh, Ngu Doãn Văn làm Thượng thư Tả, Hữu bộc xạ (1169).

Năm 1167, trong gia đình của Hiếu Tông xảy ra nhiều sự kiện đau buồn. Mùa xuân năm đó, mẹ Hiếu Tông là Tú vương phi Trương thị qua đời[25]. Không lâu sau đó, danh tướng Ngô Lân mất ở đất Thục, rồi đến hoàng hậu Hạ thị mất, thụy An Cung hoàng hậu. Đến mùa thu hoàng thái tử Triệu Kì bệnh nặng, rồi mất, thụy là Trang Văn thái tử.

Vào năm 1170, Lại bộ thượng thư Uông Ứng Thần vì việc can gián đã bị bãi chức[26]. Lúc đó thượng hoàng sống nhàn nhã ở cung Đức Thọ nên nghĩ đến những trò tiêu khiển, đã cho mở rất nhiều sở ứng phụng ở bên ngoài, lại dùng thuyền chuyển thủy ngân vào cung. Uông Ứng Thần cùng Viên Phu lên tiếng can gián và xin cấm chỉ. Hiếu Tông không dám trái ý thượng hoàng nên đã giáng Viên Phu làm Hộ bộ thị lang; đày Ứng Thần ra phủ Bình Giang.

Năm 1171, Hiếu Tông và quần thần gia tôn hiệu cho thái thượng hoàng đế, thái thượng hoàng hậu. Từ sau khi Trang Văn thái tử qua đời, triều đình tranh nghị việc lập người kế vị. Theo lệ thì phải lập hoàng tử thứ hai là Khánh vương Khải. Hiếu Tông thấy hoàng tử thứ ba là Cung vương Đôn anh vũ giống mình, liền lập làm người kế vị, lại sợ Khánh vương Khải ở bên trong xảy ra tranh giành, nên đổi Khải là Ngụy vương, điều ra phủ Ninh Quốc rồi Minh châu (1174). Lại lấy Tri cáp môn Trương Thuyết là Thiêm thư xu mật viện sự. Thuyết lại là em rể của thái thượng hoàng hậu, nên triều thần xôn xao bàn tán. Thị giảng Trương Thức trách Ngu Doãn Văn mở đường cho cận tập chấp chính. Doãn Văn phải vào xin Hiếu Tông bỏ lệnh. Thị ngự sử Lý Hành, Hữu Chính ngôn Vương Hi Lã, Trực học sĩ Chu Tất Đại và Cấp sự trung Mạc Tế Phong đều tỏ ý phản đối rồi bị triều đình bãi chức, người đương thời gọi họ là bốn người hiền.

Mùa xuân năm 1172, triều đình đổi Tả, hữu bộc xạ thành Tả, hữu thừa tướng, trong đó Ngu Doãn Văn, Lương Khắc Gia làm Tả Hữu thừa tướng[27] Tháng 4 cùng năm, ngự sử Tiêu Chi Mẫn đàn hặc Ngu Doãn Văn chuyên quyền, bất công, Doãn Văn dâng sớ xin tội. Thượng hoàng biết chuyện, khuyên Hiếu Tông không nên đuổi Doãn Văn, vì thế Hiếu Tông cho đuổi Tiêu Chi Mẫn, nhưng Doãn Văn cho Chi Mẫn là người chính trực nên giữ lại. Cùng năm này, Ngu Doãn Văn tiến cử Ngạn Dĩnh, Lâm Quang Triều, Vương Chất vào Gián viện đang thiếu người, nhưng Hiếu Tông không nghe mà dùng người của hạnh thần Tăng Địch đề cử làm Gián Nghị đại phu. Doãn Văn thất vọng, xin từ quan. Tháng 8 ÂL, Hiếu Tông chuyển Doãn Văn về Thục, về sau Doãn Văn mất năm 1174. Mùa đông năm 1173, Hữu thừa tướng Lương Khắc Gia do bất hòa với Trương Thuyết, xin bãi chức. Hiếu Tông phong Tăng Hoài lên thay làm Hữu thừa tướng.

Ngoại giao

Vào giữa năm 1170, Ngu Doãn Văn định sai sứ sang Kim xin được dời sơn lăng ở Củng Lạc về nam, Trần Tuấn Khanh can là không nên. Hiếu Tông vốn tin tưởng Doãn Văn nên giáng chức Tuấn Khanh. Trước đó vào năm Thiệu Hưng khi sứ Kim vào triều thì Tống đế phải đích thân bước xuống nhận thư rồi chuyển cho nội thị. Khi Hiếu Tông lên ngôi thì việc này có thay đổi, Hiếu Tông chỉ sai người ra nhận thư rồi mang vào triều. Khi tái ký hòa nghị thì lễ tiết lại như trước nên Hiếu Tông cảm thấy không vui. Nhân việc đi sứ lần này, ông sai Phạm Thành Đại đến Kim phải thuyết phục Kim Thế Tông cho bỏ qua lễ tiết như vậy, nhưng vua Kim không nghe.[28]. Năm sau nhà Tống lại sang Triệu Hùng đến bàn chuyện lăng tẩm, nhưng Kim Thế Tông không hồi đáp. Tống Khâm Tông qua đời ở miền bắc từ năm 1156, nhưng người Tống không cho rước thi hài về nước an táng. Vua Kim nhân dịp đi sứ mà đề nghị Hiếu Tông cử người nhận xác về, tuy nhiên suốt một năm triều đình nhà Tống không có hồi đáp, nên di thể của Khâm Tông bị an táng bên nước Kim chứ không được đưa về.

Đối với nước Việt ở miền nam, từ trước kia phong kiến Trung Quốc chỉ phong cho hoàng đế Đại Việt tước hiệu là Giao Chỉ quận vương và gọi nước ta là quận Giao Chỉ. Từ mùa thu năm 1164, vua nhà Lý dùng Trung vệ đại phu Doãn Tử Tư và Thừa nghị lang Lý Bang Chính, Trung Dực lang Nguyễn Văn Hiến đi sang Tống. Hiếu Tông bàn với đình thần, rồi thăng Giao Chỉ quận thành An Nam quốc, phong cho Lý Anh Tông làm An Nam quốc vương[29][30].

Chính sự thời kì Thuần Hi (1174 – 1189)

Đầu năm 1174, Ngu Doãn Văn chết ở đất Thục. Giữa năm này, tể tướng Tăng Hoài cũng bị Đài quan đàn hặc và bị bãi chức nhưng nhanh chóng được phục chức tể tướng[31]. Cuối năm này Tăng Hoài lấy cớ bị bệnh, xin từ chức. Hiếu Tông bổ nhiệm Diệp Hành nắm quyền, nhưng sau ông này bị bãi chức vào năm 1175. Trong năm này, Lý Đảo bổ sung Tư trị thông giám trường biên chép việc từ những năm Trị Bình thứ 4 đến năm Nguyên Phù thời Tống Triết Tông.

Mùa thu năm 1176, Hiếu Tông có chiếu lập Hiền phi Tạ thị làm kế hậu. Lúc bấy giờ trong triều không có tể tướng, Cung Mậu Lương mang danh Tham tri chính sự nhưng nắm quyền như tể tướng, về sau thấy Hiếu Tông triệu Sử Hạo về triều làm Thiếu bảo nên Mậu Lương xin lui, Hiếu Tông cố gắng khuyên giải, nói rằng chỉ triệu Hạo về việc Kinh diên, không phải là bổ dụng làm tướng. Nhưng mùa hạ năm 1177 Cung Mậu Lương bị bãi vì làm phật lòng Hiếu Tông[32]. Hiếu Tông dùng Vương Hoài làm Tham tri chính sự, nắm quyền tể tướng, cùng Triệu Hùng làm Đồng tri xu mật viện sự[33]. Đầu năm sau (1178, Nam Man xâm phạm biên giới, triều đình phái quân đánh dẹp và hàng phục được. Không lâu sau, Sử Hạo lại được bổ nhiệm lại làm Hữu thừa tướng, kiêm Xu mật sứ; Vương Hoài làm Xu mật viện sự, Triệu HùngPhạm Thành Đại làm Tham chính. Sau đó do bên ngoài có lời gièm pha nên Thành Đại bị bãi chức. Mùa đông năm đó Sử Hạo trí sĩ triều đình lấy Tiền Lương Thần làm Tham tri chính sự, dùng Triệu Hùng làm Hữu thừa tướng, Vương Hoài làm Xu mật sứ.

Mùa hạ năm 1179, trong nước có hạn hán, Hiếu Tông xuống chiếu cầu lời nói thẳng. Lúc đó có đại thần Chu Hi dâng sớ xin Hiếu Tông giữ chính tâm, lập lại kỉ cương. Hiếu Tông tức giận, muốn xử phạt thật nặng. Nhưng có Triệu Hùng ra sức can ngăn nên Hiếu Tông đồng ý tha tội[34]. Năm 1181, Hữu thừa tướng Triệu Hùng cùng Tham tri chính sự Tiền Lương Thần bị bãi chức, Vương Hoài lên thay Triệu Hùng.

Tháng 9 ÂL năm 1182, Vương Hoài, Lương Khắc Gia là Tả Hữu thừa tướng. Đầu năm 1184, sử quan Lý Đảo đã hoàn thành bộ Tư trị thông giám trường biên, chép việc từ năm Tống Thái Tổ Kiến Long nguyên niên đến Tống Khâm Tông Tĩnh Khang thứ hai, tổng cộng gồm 98 quyển, tiếp nối Tư trị thông giám của Tư Mã Quang

Để tang và nhường ngôi

Năm 1187, Hiếu Tông dùng Chu Tất Đại làm Hữu thừa tướng, Lưu Chính làm Tham tri chính sự kiêm Đồng tri Xu mật viện sự[35]. Mùa đông năm đó, thượng hoàng qua đời, miếu hiệu là Cao Tông hoàng đế[36]. Hiếu Tông sau đó tôn thái thượng hoàng hậu Ngô thị làm hoàng thái hậu. Hiếu Tông đau buồn, bỏ ăn suốt hai ngày, lại muốn phục tang cho thượng hoàng trong ba năm (mặc dù thượng hoàng không phải cha ruột của Hiếu Tông). Tể tướng Vương Hoài dẫn việc Tấn Hiếu Vũ Đế, Ngụy Hiếu Văn Đế lúc trước đều nói phục tang mà không làm được để khuyên can, Hiếu Tông không nghe, vẫn phục tang ba năm[35]

Đầu năm 1189, Hiếu Tông dùng Chu Tất Đại, Lưu Chính là Tả, Hữu thừa tướng[35]. Sau đó chuyển hoàng thái hậu sang cung Từ Phúc, đổi cung ấy là cung Nhân Thọ, lại đổi cung Đức Thọ thành cung Trùng Hoa. Hiếu Tông nói với hai tể tướng ý định truyền ngôi, bảo họ thảo chiếu. Ngày 18 tháng 2 năm 1189 (Nhâm Tuất), cử hành lễ nạp thiền. Hiếu Tông truyền ngôi cho thái tử Đôn, còn mình xưng là thái thượng hoàng đế, dời sang cung Trùng Hoa, vẫn mặc tang phục. Vua mới là Tống Quang Tông, tôn hiệu cho Hiếu Tông là Chí Tôn Thọ hoàng thánh đế[37], hoàng hậu là Thọ Thành hoàng hậu, hoàng thái hậu là Thọ Thánh hoàng thái hậu[35].